Nhà ở là một loại kiến trúc chiếm số lượng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đời sống hàng ngày của con người. Nhà ở cũng thể hiện rõ nhất các yêu cầu của kiến trúc: “Thích dụng – Bền vững – Thẩm mỹ – Kinh tế”, mà theo cách nói bình dân là “Tốt – Bền – Đẹp – Rẻ”. Nhu cầu “đẹp”, tuy xuất hiện sau nhu cầu “tốt” và “bền”, nhưng luôn là mục tiêu hướng đến của con người khi xây dựng ngôi nhà cho mình. Tuy nhiên, sự phát triển đa dạng của xã hội dẫn đến các quan điểm, chuẩn mực thẩm mỹ khác nhau, hệ quả là những ngôi nhà “đẹp” nhiều kiểu khác nhau, mà đôi lúc người cảm thụ phải tranh cãi và nghi ngờ. Vậy thế nào là một ngôi nhà “đẹp”? Và làm thế nào để thiết kế được một ngôi nhà “đẹp”?

Khi xã hội càng mở cửa thì quan niệm về vẻ đẹp của nhà ở càng được mở rộng, càng phong phú và đa dạng, đôi lúc thay đổi cả những quan điểm thẩm mỹ phổ biến trước đây. Do đó, thẩm mỹ nhà ở cũng cần được xem xét dưới những góc độ “mở” hơn (Ảnh: Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao cho thấy sự phong phú các loại hình nhà ở hiện nay)

Nhà ở – Một “tác phẩm nghệ thuật” hay một “sản phẩm hàng hóa”?

Người Việt Nam có câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Mỗi người, mỗi gia đình một tập quán, một thói quen cư trú, hình thành nên những văn hóa cư trú đặc thù, gắn liền với các vùng địa văn hóa và được vật chất hóa tạo nên kiến trúc nhà ở. Do đó, kiến trúc nhà ở, đầu tiên, được thiết kế bởi những quan điểm văn hóa đúc kết từ những đặc trưng địa phương hay cộng đồng, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật dân gian mang tính bản địa. Việc xây dựng một ngôi nhà truyền thống vốn dựa trên lao động thủ công với sự khéo léo của những người thợ – Người thực hiện, đồng thời cũng là người sáng tác, đã làm cho ngôi nhà nghiêng về một quá trình tạo tác nghệ thuật, mang tính ngẫu hứng và dấu ấn cá nhân nhiều hơn. Trong xã hội Việt Nam hiện đại, ngoài văn hóa cư trú, nhà ở còn được thiết kế bởi những nguyên lý, nguyên tắc thiết kế, tổ chức không gian, thẩm mỹ nghệ thuật mang tính quốc tế hóa, hướng đến sự hòa nhập thế giới. Nhà ở lúc này được xem như những tác phẩm nghệ thuật đương đại, được tạo ra bởi nghệ thuật sáng tạo của người thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhà ở được bao cấp, nghĩa là Nhà nước xây dựng nhà và phân phối lại cho người dân. Lúc này, nhà ở được xem là phúc lợi xã hội, sản xuất đại trà, do đó, tính thẩm mỹ phần nào bị xem nhẹ. Mặt khác, do tư tưởng là “của được cho” nên người sử dụng cũng không đòi hỏi nhiều. Hơn nữa, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, có nhà ở là tốt rồi, chưa cần đẹp. Khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, với sự mở đầu của Luật Đất đai năm 1993, quyền sử dụng đất được phép mua-bán trên thị trường, nói cách khác (quyền sử dụng) đất đai được công nhận là một loại hàng hóa thì theo đó, nhà ở cũng trở thành hàng hóa, thậm chí là đặc biệt, giá trị cao, được lưu thông trên thị trường với đầy đủ tính chất của hàng hoá:

  • Tính thích dụng đối với người dùng;
  • Giá trị (kinh tế), nghĩa là được chi phí bởi lao động;
  • Sự hạn chế để đạt được nó, nghĩa là độ khan hiếm; và những thuộc tính cơ bản: giá trị sử dụng (thể hiện qua tính thích dụng của nhà ở) và giá trị (thể hiện qua giá trị trao đổi, giá cả nhà ở)

Nếu một người xây dựng ngôi nhà để phục vụ cho chính mình, nói cách khác, người sản xuất và người sử dụng là một, thì giá trị sử dụng chỉ phục vụ cho một chủ thể duy nhất – Tính thích dụng và tính thẩm mỹ hoàn toàn mang tính chủ quan, do một chủ thể quyết định. Tuy nhiên, nếu 2 chủ thể này được phân biệt (xây nhà để bán, cho người khác thuê), nhà ở mang đúng nghĩa hàng hóa lưu thông thì sẽ có giá trị sử dụng xã hội (không phải giá trị sử dụng cho trực tiếp người sản xuất mà là cho xã hội thông qua trao đổi mua bán). Do đó, người sản xuất sẽ phải quan tâm đến nhu cầu xã hội, làm cho sản phẩm của họ phù hợp với xã hội cả trên phương diện thích dụng và thẩm mỹ. Hiện nay, nhà ở được xem như “2 trong 1” – một ngôi nhà vừa là một “tác phẩm nghệ thuật” vừa là một “sản phẩm hàng hóa”. Và rõ ràng 2 yếu tố này luôn hỗ trợ cho nhau: (1) Để xây dựng nhà ở, xã hội cần huy động một nguồn tài lực, vật lực và nhân lực tương đối lớn, do đó “tác phẩm nghệ thuật” nhà ở phải được “hàng hóa hóa”, phục vụ được cho xã hội, nghệ thuật có khả năng ứng dụng, không thể chỉ đơn thuần là nghệ thuật “để ngắm”; (2) Ngược lại, “sản phẩm hàng hóa” nhà ở cũng cần được thiết kế thẩm mỹ, “nghệ thuật hóa” để thu hút khách hàng, người sử dụng, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm bên cạnh giá trị vật chất vốn có.

Thực tế, nhà ở Việt Nam đang dần hướng đến một sự đơn giản nhưng lại tạo ra được những tác động thẩm mỹ cao, đạt được sự tinh tế trong thiết kế (Ảnh: Nhà “chữ A” ở Quảng Bình, KTS Phạm Hùng vừa là chủ thể sáng tạo vừa là chủ thể biểu hiện thẩm mỹ)

Các nhóm chủ thể kiến tạo nhà ở và thẩm mỹ nhà ở

Xét trên góc độ “sản phẩm hàng hóa”, liên quan đến quá trình sản xuất một ngôi nhà, cần có các chủ thể:

  1. Chủ nhà (đối với nhà ở xây dựng riêng lẻ cá nhân) hoặc chủ đầu tư dự án (đối với nhà ở xây dựng theo dự án) – người ra đề bài yêu cầu cho cả tính thích dụng lẫn tính thẩm mỹ của nhà ở, đây là chủ thể quyết định và sở hữu sản phẩm (vật chất) nhà ở cuối cùng, hay còn gọi là “chủ sản phẩm”;
  2. Người thiết kế – chủ thể sáng tạo, đề xuất phương án để giải quyết các yêu cầu của “chủ sản phẩm”, chính những sáng tạo, đề xuất này tạo nên “tác phẩm” nhà ở, nên chủ thể này còn gọi là “chủ tác phẩm”;
  3. Người xây dựng – chủ thể thực hiện, theo những yêu cầu của 2 chủ thể trên. Tuy nhiên, trong một số nhà ở đơn giản, chủ thể này đóng thay vai trò của người thiết kế, nghĩa là họ có thể “sáng tạo” trong một chừng mực có thể, dựa trên những hiểu biết và kinh nghiệm hành nghề của mình.
    Sau khi trở thành sản phẩm (hàng hóa), quá trình lưu thông và sử dụng nhà ở sẽ làm xuất hiện thêm các chủ thể khác như:
  4. Người sử dụng – có thể là một chủ thể hoàn toàn khác hoặc có thể chính là chủ thể đầu tiên (“chủ sản phẩm” sử dụng sản phẩm do chính mình tạo ra), trong trường hợp đầu, tính thích dụng và thẩm mỹ của nhà ở sẽ được xem xét lại dưới các quan điểm của chủ thể này;
  5. Xã hội, cộng đồng – tuy không trực tiếp sử dụng sản phẩm nhà ở nhưng lại gián tiếp tác động vào tính thích dụng và thẩm mỹ của nhà ở thông qua những bình luận, đóng góp (“phản biện xã hội”), ngược lại, họ bị sản phẩm nhà ở tác động vào làm thay đổi quan điểm của họ.

Xét trên góc độ “tác phẩm nghệ thuật”, các chủ thể lại được phân thành:

  1. Nhóm chủ thể thưởng thức thẩm mỹ nhà ở – đóng vai trò thụ động, thụ hưởng các giá trị thẩm mỹ của nhà ở do các nhóm chủ thể khác mang lại;
  2. Nhóm chủ thể sáng tạo thẩm mỹ nhà ở – đóng vai trò chủ động trong sáng tạo để tạo nên các giá trị thẩm mỹ cho ngôi nhà;
  3. Nhóm chủ thể định hướng thẩm mỹ nhà ở – cao cấp hơn sự sáng tạo thẩm mỹ là tạo ra các xu hướng thẩm mỹ để có thể gây ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng theo từng quy mô nhất định, hướng họ theo những giá trị thẩm mỹ mong muốn;
  4. Nhóm chủ thể biểu hiện thẩm mỹ nhà ở – đóng vai trò cụ thể hóa các sáng tạo thẩm mỹ, đối với nhà ở, quá trình cụ thể hóa này thường gắn với sự vật chất hóa, tức là xây dựng ngôi nhà vật lý dựa trên những ý tưởng thiết kế, đôi lúc nhóm này cũng chính là nhóm chủ thể sáng tạo thẩm mỹ (tự sáng tạo, tự biểu hiện);
  5. Nhóm chủ thể tổng hợp các năng lực thẩm mỹ nhà ở – được xem là nhóm “toàn diện” nhất, họ có khả năng tổng hợp, đánh giá các giá trị thẩm mỹ, từ đó có những điều chỉnh, phản biện hoặc phương cách ứng xử để đạt kết quả thẩm mỹ mong muốn.

Những câu hỏi thường thấy trong kiến tạo thẩm mỹ nhà ở

Thực tế cho thấy nhà ở hiện có 2 mục đích chính khi thiết kế: Nhà ở để ở hay để “diễn”? Khi xác định nhà để ở thì yếu tố công năng, cách thức tổ chức được đẩy lên hàng đầu, nhằm mang đến vẻ đẹp ngôi nhà thông qua tính hợp lý, tiện nghi trong tổ chức không gian. Trong khi đó, nhà để “diễn” lại đề cao chủ nghĩa hình thức, nhấn mạnh vào tính sáng tạo, đôi khi là cực đoan để thể hiện tính “dám làm”, tạo các trào lưu mới nhằm quảng cáo cho sản phẩm và cho người thiết kế hay người đầu tư.

Câu hỏi tiếp theo đặt ra là: Nên đầu tư thẩm mỹ ngoại thất (“đẹp ngoài”) hay đầu tư thẩm mỹ nội thất (“đẹp trong”)? Thẩm mỹ bên ngoài sẽ mang đến sự hấp dẫn ngay từ khâu tiếp cận, mang tính hướng ngoại, hướng đến người cảm thụ từ xã hội, cộng đồng nhưng người sử dụng lại không được “hưởng” nhiều. Ngược lại, nếu đầu tư thẩm mỹ nội thất, người sử dụng sẽ được thụ hưởng tối đa tương ứng với số tiền đầu tư, nhưng ngôi nhà phần nào sẽ mất tính hấp dẫn bên ngoài, nhất là trong một xã hội vốn đang chạy theo những giá trị bề nổi.

Thiết kế nhà ở “vị nghệ thuật” hay “vị kinh tế”? “Vị nghệ thuật” khi người thiết kế sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, chủ yếu là kinh tế vật chất (thiết kế phí chẳng hạn), để theo đuổi đến cùng những ý tưởng, sáng tạo của mình, thậm chí đôi lúc còn tự bỏ tiền riêng để hoàn thiện tốt nhất những ý tưởng đó. Trong khi đó, “vị kinh tế” là người thiết kế chấp nhận một sự sáng tạo giới hạn vừa phải, đôi lúc không cần sáng tạo khi tuân theo những sở thích và thỏa mãn vô điều kiện các yêu cầu của chủ đầu tư, đổi lại một số tiền thiết kế phí để đảm bảo họ sống, tồn tại và tiếp tục hành nghề.

Mỗi ngôi nhà sẽ tạo ra “thương hiệu” khi thiết kế ngôi nhà tạo ra sự “dễ nhớ”, phân biệt được giữa đám đông những kiểu kiến trúc “đồng phục”. (Ảnh: Cocoon House tại Hà Nội, KTS Tạ Tiến Vĩnh,Trương Tuấn Chung)

Rõ ràng là trong các câu hỏi nêu trên, lý tưởng nhất là kết nối được cả hai vế. Tuy nhiên trong một số trường hợp, với những lý do khác nhau, người thiết kế hay người đầu tư phải tìm cách ứng xử với tác/sản phẩm của mình bằng cách tăng giảm hàm lượng các yếu tố để đạt hiệu quả, mục đích đặt ra và đôi lúc sẽ gây ra những ý kiến trái chiều do cộng đồng, xã hội không hiểu hết căn nguyên.

Các tiêu chí đánh giá thẩm mỹ nhà ở

Để lượng hóa việc đánh giá thẩm mỹ một ngôi nhà là việc rất khó, bởi những quan điểm khác nhau của những chủ thể khác nhau, đóng vai trò như những hệ quy chiếu khác nhau. Vì vậy, để đánh giá được một cách khách quan, tránh những xung đột trong tranh luận, các hệ quy chiếu sẽ được quy đồng để có cơ sở đánh giá. Hệ quy chiếu quy đồng này có thể được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí S.M.I.L.E1 như sau:

S – Simple – tính đơn giản (nhưng hiệu quả) – Để thực hiện được yếu tố này lại không hề đơn giản. Thực tế cho thấy đơn giản dễ bị đánh đồng với đơn điệu. Cuộc đời một con người có số lần làm nhà hay mua nhà không nhiều nên họ luôn cố đầu tư vào vẻ đẹp ngôi nhà bằng cách “kết hợp” các phong cách mình yêu thích, “đắp” vô điều kiện những thứ (vật liệu) đắt tiền, quý hiếm hay những chi tiết cầu kỳ, dẫn đến sự rối rắm, hỗn loạn trong ngôn ngữ, màu sắc, đường nét và thời đại. Để đạt được đơn giản nhưng hiệu quả về thẩm mỹ, điều này phụ thuộc vào 2 chủ thể: (1) nguồn gốc, văn hóa, kinh tế, tuổi tác… của chủ nhà; (2) tay nghề, quan điểm, kinh nghiệm… của người thiết kế. Vẻ đẹp đơn giản của kiến trúc hiện đại không nghiêng về sự trang trí mà dung hòa hợp lý giữa công năng và hình thức. Nói cách khác, mỗi chi tiết, vật liệu, màu sắc, đường nét… sử dụng không chỉ đáp ứng duy nhất mục đích “để cho đẹp” mà còn phải được lý giải bằng những mục đích khác.

M – Memorable – tính “dễ nhớ” – Suy cho cùng, tất cả những sáng tạo nghệ thuật đều hướng đến những tác phẩm có sự khác biệt, cá tính, giúp phân biệt nó với đám đông, tức là có thể nhận ra và lưu được vào trí nhớ người cảm thụ. Để làm được điều này, khi thiết kế nhà ở cần có ý tưởng. Tuy nhiên, việc đánh giá ý tưởng đôi lúc lại phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm chủ quan, bởi biên độ sáng tạo trong mỗi người là khác nhau, đặc biệt là giữa những người thiết kế (vốn được đào tạo cách thức sáng tạo một cách “bài bản”) với những người không hoạt động trong nghề thiết kế (vốn (“sáng tạo” theo bản năng, năng khiếu có sẵn). Tính “dễ nhớ” – M thường được kết nối với tính “dám làm” – E, có thể tạo ra tính “thú vị” – I theo cả chiều tích cực lẫn tiêu cực.

I – Interesting – tính thú vị – Yếu tố chủ yếu tạo nên cảm xúc cho người cảm thụ, sự thi vị của nhà ở được xem xét nhiều hơn dưới góc độ là một tác phẩm nghệ thuật. Tính thú vị được tạo ra cũng còn do bởi các phương tiện biểu hiện thẩm mỹ nhà ở (tỷ lệ, hình khối, bố cục, chất/vật liệu, công nghệ xây dựng…) được sử dụng một cách uyển chuyển, khéo léo, tình cảm, “có tâm”, ẩn chứa những ý đồ, ý tưởng của tác giả kiểu “ý tại ngôn ngoại” mang lại sự đa nghĩa cho kiến trúc nhà ở. Trong một số trường hợp, sự “thú vị” lại do sự khác lạ, đôi khi là ngược với suy nghĩ phổ thông của mọi người, tuy nhiên cần phải xác định “ngược” ở mức độ nào để có thể tạo nên hiệu quả tích cực, nếu không sẽ chuyển về trạng thái tiêu cực (thấy “thú vị” nhưng không ai dám làm theo).

L – Linked to – tính kết nối – Thể hiện qua mối quan hệ, kết nối giữa ngôi nhà với thế giới xung quanh cả về không gian và thời gian, thường thể hiện rõ nhất qua sự tương đồng (kết nối sơ cấp, phổ thông). Tuy nhiên, cũng cần phải được hiểu rộng ra, đó có thể là sự tương phản nhưng vẫn đảm bảo không tách biệt. Có thể phân biệt 2 loại kết nối của nhà ở: (1) Kết nối vật lý – là kết nối ngôi nhà với bối cảnh môi trường, địa hình – địa mạo, các hình thái kiến trúc xung quanh, tạo nên tính liên tục của không gian (định vị ngôi nhà trong không gian); (2) Kết nối phi vật lý – là kết nối được tạo ra bởi tính thời đại, đương đại (định vị ngôi nhà trong thời gian). Sự kết nối thể hiện rõ nhất tinh thần của chủ nhà hay người thiết kế ngôi nhà – tách biệt để khẳng định vị thế, nhấn mạnh cái đẹp cá nhân hay hòa hợp để tạo nên một cái đẹp tổng thể.

E – Enterprising – tính “dám làm” – Thể hiện qua sự mạnh dạn của các chủ thể trong việc tạo dựng cá tính, thẩm mỹ riêng cho ngôi nhà, đến từ các ý đồ thiết kế, cách tiếp cận kiến trúc “lạ”, “không giống ai”, cũng có thể là những chi tiết, yếu tố kiến trúc được xử lý một cách bất ngờ, “khác thường” có được từ thủ pháp, tay nghề của người thiết kế được thể hiện qua “kỹ năng cứng” trong việc xử lý kiến trúc công trình cũng như “kỹ năng mềm” trong việc thuyết phục các chủ thể khác. Tuy nhiên, cần chú ý rằng: Sáng tạo thì luôn cần “dám làm”, nhưng “dám làm” thì chưa hẳn đã cho ra kết quả là sáng tạo, hoặc nếu có thì “sáng tạo” theo nghĩa bóng. Trong xã hội hiện nay, đôi lúc “dám làm” lại được khai thác theo một cách khác – dám làm để nổi tiếng – chẳng hạn “dám làm” những kiến trúc “không giống ai” nhằm thu hút dư luận. Do đó, để đánh giá tính “dám làm”, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về giới hạn của “dám”. Và một khi đã “dám làm” thì cũng dám chấp nhận các luồng ý kiến trái chiều.

Một trào lưu mới của những KTS khi họ không chỉ chú tâm vào các yếu tố xây dựng ngôi nhà. Các yếu tố tự nhiên ngày càng được khai thác nhiều hơn, hỗ trợ cho kiến trúc, tăng vẻ đẹp của thiên nhiên trong một vẻ đẹp nhân tạo làm cho vẻ đẹp nhân tạo đó trở nên mềm mại, thi vị hơn (Ảnh: Nhà The Shelter tại Nghệ An, KTS Nguyễn Khắc Phước)

Thay lời kết

Có thể thấy, nhà ở không chỉ là một công trình xây dựng đơn thuần, mà quá trình tạo ra cũng như thành phẩm cuối cùng thường mang đậm dấu ấn của một số ít cá nhân, đặc biệt là của người đầu tư và người thiết kế, nhưng lại được xã hội xem xét, tiếp cận dưới nhiều hệ quy chiếu, theo những tiêu chí, những quan điểm khác nhau, đôi lúc là mâu thuẫn nhau. Xu hướng hiện nay là cố gắng dung hòa các tiêu chí, quan điểm này để tạo nên một ngôi nhà hoàn hảo, lý tưởng cả về công năng thích dụng lẫn thẩm mỹ nghệ thuật, hợp lý và đẹp, không chỉ cho bản thân người đầu tư, người thiết kế mà còn cho cả xã hội. Riêng đối với người thiết kế, việc nắm bắt và đánh giá những tiêu chí, quan điểm này là điều kiện tiên quyết để tạo nên những giá trị hấp dẫn cho chính tác phẩm của mình. Và, xa hơn nữa là tạo nên những trào lưu, xu hướng thẩm mỹ văn minh, tạo nên các chuẩn mực mới cho xã hội.

Các KTS, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang dần khẳng định mình qua những thiết kế mang đậm dấu ấn, phong cách cá nhân bởi họ “dám làm”. Có thể những kiến trúc “dám làm” đấy tuy vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng, một cách tích cực, nó cũng tác động phần nào thay đổi những quan điểm của xã hội. (Ảnh: nhà “cây” tại TP. Hồ Chí Minh, KTS Võ Trọng Nghĩa)

Một ngôi nhà đẹp sẽ khơi gợi nhiều cảm hứng trải nghiệm, hay xa hơn là kích thích những sáng tạo mới của con người, từ đó tạo ra một hàm lượng truyền thông thứ cấp nhiều hơn chứ không chỉ lan tỏa sơ cấp bởi chính công trình. Người thiết kế nhà ở đang trong một lĩnh vực mang nhiều tính duy cảm, tương đối và tương tác, do đó họ cần các tiêu chí đánh giá sáng tạo thẩm mỹ nhà ở, đồng thời cũng sẽ là các tiêu chí để định hướng ý tưởng thiết kế của mình nhằm tạo ra những ngôi nhà “đẹp bền vững”.

Có những ngôi nhà mà khi ngắm nó, người ta không khỏi trầm trồ về độ “chịu chơi” hay “chịu chi” của các ông chủ nhưng vẫn cảm thấy những ngôi nhà đấy xa lạ và lạc lõng bởi chúng đã được cố tình tách ra khỏi bối cảnh chung. (Ảnh: Nhà ở gia đình được mệnh danh là “lâu đài” tại quận Cầu Giấy, Hà Nội)

TS.KTS TRẦN MINH TÙNG

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)